Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Nam,ếnnghịtháodỡkýtúcxátrườngcaođẳngđểmởrộngbệnhviệ7club Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM nói tại họp báo định kỳ, chiều 19/10, thêm rằng Chấn thương chỉnh hình là bệnh viện điển hình cho tình trạng xuống cấp cũng như ảnh hưởng bởi các khối nhà, đặc biệt là tòa ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng ở bên cạnh.
Trước đây, lãnh đạo bệnh viện từng đề xuất di dời khu ký túc xá này do không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, kiến trúc xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, không an toàn cho bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
Hiện chưa có ý kiến của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng về kiến nghị mới từ Sở Y tế.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM được người Hoa xây dựng năm 1968, diện tích khuôn viên hơn 5.000 m2, quy mô ban đầu 100 giường bệnh, nay phải cơi nới khoảng 600 giường nội trú, gồm các giường nằm ngoài hành lang các khoa phòng. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng một, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình của TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Trải qua hơn 50 năm, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp nặng nề. Năm 2010, dự án xây mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT). Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Sở Y tế TP HCM cho biết đã đề xuất UBND ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển địa điểm dự án xây dựng mới về vị trí khác, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong thời gian chờ dự án xây cơ sở mới, bệnh viện kiến nghị thành phố cho xây dựng mới cơ sở cũ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết tình trạng đang quá tải hiện nay và xứng tầm bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối khu vực phía Nam, đồng thời phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu.
Tháng trước, Sở Tài chính TP HCM cũng thông tin rằng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình sẽ tiếp quản khu đất cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học để cải tạo, xây dựng thành cơ sở hai, giải tỏa tình trạng quá tải hiện tại.
Ngoài Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần TP HCM chỉ có 300 giường nhưng phân bố ở 3 địa điểm cũng có cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến điều trị, khám chữa bệnh người dân. Trong đó, cơ sở chính ở quận 5 với 50 giường nội trú trên diện tích chật hẹp (1.700 m2). Cơ sở thứ hai tại xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, 250 giường, chỉ được thiết kế cho điều trị nội trú. Cơ sở thứ ba là khoa Khám trẻ em - Bệnh viện ban ngày, ở quận Phú Nhuận, chức năng khám và điều trị các bệnh tâm thần ngoại trú cho trẻ em.
Theo định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiêu chuẩn trung bình trên toàn quốc là 12 giường/100.000 dân. TP HCM với hơn 10 triệu dân, cần khoảng ít nhất 1.200 giường.
Do đó, theo ông Nam, Sở Y tế cũng đã có kế hoạch trung hạn 2025-2030 để đầu tư xây dựng Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường tại Thành phố Thủ Đức. "UBND Thành phố Thủ Đức đã có kế hoạch trình Chính phủ phê duyệt, nếu thuận lợi thì khả năng năm 2024 sẽ có tin vui từ dự án này", ông Nam nói.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Tâm thần là hai trong ba bệnh viện xuống cấp được Sở Y tế đề xuất UBND TP HCM xây mới. Bệnh viện còn lại là Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Giám đốc Sở Y tế cho rằng tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Mỹ Ý